Gia đình Nghiêm Phục

Ảnh chụp Nghiêm Phục và kế thất Chu Minh Lệ vào năm 1917

Nghiêm Phục có tất cả 3 người vợ cùng 9 người con, 5 nam và 4 nữ.[132]

Thê thiếp

  • Nguyên phối: Vương phu nhân là người vợ đầu tiên của Nghiêm Phục, cả hai kết hôn khi Nghiêm Phục chỉ mới 14 tuổi. Lúc bấy giờ, kinh tế gia đình Nghiêm Phục đang gặp khó khăn, Vương phu nhân phải cùng mẹ chồng may quần áo để kiếm sống. Sau khi bà sinh người con trai đầu lòng Nghiêm Cừ vào năm 1874, vì không điều dưỡng kỹ sau khi sinh, lại thêm vất vả vì ngày đêm may váy cưới, sức khỏe của bà dần suy nhược.[133] Khi mẹ chồng qua đời, chồng lại chỉ vừa nhậm chức quan ở xa không về kịp, mọi việc tang ma đều do bà và con trai cả vừa 16 tuổi lo liệu. Sau khi mẹ chồng qua đời, sức khỏe Vương phu nhân ngày càng kém, bà mất tại Thiên Tân vào ngày 22 tháng 5 năm 1892 dưới triều Quang Tự.[134] Nghiêm Phục thường xuyên khen Vương phu nhân là người vợ kính cẩn nghe lời, nhân từ và hiền đức.[133] Sau khi bà qua đời, Nghiêm Phục đã cảm thán "Không ngờ qua 40 năm,[lower-alpha 13] người cũ trong nhà đều không còn nữa,[lower-alpha 14] những người cộng khổ nay lại chẳng thể đồng cam, nghĩ đến đây không nén được tiếng thở dài nghẹn ngào".[135]
  • Thiếp: Giang Oanh Nương (江莺娘; 1879–1946) trở thành thiếp của Nghiêm Phục sau khi Vương phu nhân qua đời, sinh được con gái cả cùng hai người con trai.[22] Nghiêm Phục miêu tả bà là một người "phù phiếm, nóng tính và không dễ dàng thỏa hiệp", quan hệ của cả hai đã dần xấu đi bởi tính cách thất thường của bà.[136] Sau khi Nghiêm Phục cưới Chu Minh Lệ thì quan hệ trong gia đình càng căng thẳng hơn,[lower-alpha 15] cuối cùng Nghiêm Phục để Chu Minh Lệ ở lại Thượng Hải và đưa Giang Oanh Nương đến Bắc Kinh. Đến năm 1910 thì Giang Oanh Nương mắc bệnh tâm thần. Sau nhiều lần đưa bà đi chữa trị nhưng bệnh tình không khỏi và nhiều lần cãi nhau dữ dội, Nghiêm Phục gửi bà về Phúc Châu và kết thúc mối quan hệ này.[137]
  • Kế thất: Chu Minh Lệ (朱明丽)[138] là em gái Chu Công Chiêu (朱公釗) – Tiến sĩ và Thứ cát sĩ Hàn Lâm viện nhà Thanh thời Phổ Nghi, về sau trở thành giáo viên tại trường Cao đẳng Sư phạm Nam Kinh. Chu Minh Lệ sau khi đọc được Thiên diễn luận thì rất kính phục Nghiêm Phục, từ đó mà gả cho ông là vợ kế.[139] Hai người kết hôn vào năm 1900, sau khi Nghiêm Phục tạm lánh đến Thượng Hải.[140] Chu Minh Lệ là người phụ nữ có học thức, thậm chí biết cả tiếng Anh; Nghiêm Phục thường xuyên viết thư cho bà để chia sẻ góc nhìn cũng như cảm xúc của ông về nhiều thứ.[141] Đã có 63 bức thư gửi cho Chu Minh Lệ được ghi chép lại trong Nghiêm Phục ký.[142] Bà sinh cho Nghiêm Phục 2 con trai và 3 con gái, là người bạn đồng hành với chồng suốt những năm cuối đời.[141]

Con trai

  1. Nghiêm Cừ (hay Nghiêm Tuyền 嚴璩; 1874–1942) hiệu Bá Ngọc (伯玉) là một du học sinh Anh, từng nhậm chức Thứ trưởng Bộ Tài chính trong chính phủ Quốc dân, Cục trưởng Cục tổng vụ thuộc Bộ Hành chính Tư pháp của Chính phủ Quốc dân ở Nam Kinh. Sau khi Thượng Hải bị chiếm đóng, ông trở thành Bộ trưởng Bộ tài chính cho ngụy chính phủ. Ông là người được Nghiêm Phục truyền thụ học vấn gia truyền, tinh thông tiếng Anh và tiếng Pháp, cũng từng theo chân cha dịch các tác phẩm phương Tây. Ông là người đã biên soạn "Hầu Quan Nghiêm tiên sinh niên phổ" (侯官嚴先生年譜) và "Dũ Dã đường thi tập" (愈壄堂诗集).[143] Vợ ông là Lữ Uẩn Thanh (吕韫清), con gái thứ hai của nhà Lữ Tăng Tường – Tri phủ Khai Châu. Em vợ cũng như em rể ông là Lữ Ngạn Trực (zh; en), một kiến trúc sư kiệt xuất của Trung Quốc cận đại, 31 tuổi đảm nhận thiết kế Lăng Tôn Trung SơnNam Kinh.[144]
    • Con gái cả: Nghiêm Ỷ Vân (嚴倚雲; 1912 – 26 tháng 10 năm 1991), hay Isabella Yen, tự Thọ Thành (壽誠) từng là sinh viên Đại học Bắc Kinh với ngành học chính Xã hội và ngành học phụ là Ngôn ngữ Anh. Bà là một trong những học sinh của nhà triết học Hồ Thích.[145] Sau khi chiến tranh nổ ra, bà theo trường học di tản xuống phía nam và tốt nghiệp tại Trường Đại học liên kết Tây Nam vào năm 1938.[lower-alpha 16] Sau khi tốt nghiệp, bà ở lại trường làm giáo viên cho đến năm 1947 thì nhận lời mời sang Mỹ giảng dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm bang New York (New York State Normal College). 4 năm sau, bà trở thành nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu Đại học Michigan và lấy được bằng Thạc sĩ ngành ngôn ngữ học. Đến năm 44 tuổi thì bà có được bằng Tiến sĩ của Đại học Cornell.[146] Trong suốt thời gian ở Mỹ, bà từng đảm nhiệm nghiên cứu viên và giảng viên của Đại học Cornell, trợ giảng tại Đại học Nam California và giáo sư tại Đại học Washington.[147] Chồng bà là nhà vật lý học thiên thể trứ danh Cao Thúc Khả (高叔哿; 1912–1999).[148] Vợ chồng bà đã cùng nhau đặt ra 2 quỹ học bổng ở Đại học Washington là: "Quỹ phiên dịch Nghiêm Phục" và "Quỹ học bổng Nghiêm Phục".[149]
  2. Nghiêm Hoàn (嚴瓛; 1893–1900) tự Trọng Cung (仲弓), mẹ là Giang Oanh Nương, qua đời trên đường theo cha từ Thiên Tân tạm lánh đến Thượng Hải.[150]
  3. Nghiêm Hổ (嚴琥, 1897–1962) tự Thúc Hạ (叔夏), sinh ra ở Thiên Tân, mẹ là Giang Oanh Nương. Sau khi Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa được thành lập, Nghiêm Hổ lần lượt đảm nhiệm Chủ nhiệm Ban chấp hành Giáo vụ trường Đại học Hiệp Hòa, Giáo vụ trưởng kiêm Phó chủ nhiệm Ban chấp hành Giáo vụ trường Đại học Phúc Châu, Phó thị trưởng Phúc Châu, Chính ủy viên và Đại biểu nhân dân của thành phố và tỉnh. Vợ Nghiêm Hổ là Lâm Mộ Lan (林慕蘭) thuộc gia tộc họ Lâm giàu có ở Bản Kiều, con gái của Lâm Nhĩ Khang (林爾康) và Trần Chỉ Phương.[lower-alpha 17][151]
    • Con trai cả: Nghiêm Kiều (嚴僑; 1920–1974), đảng viên bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau khi di dân đến Đài Loan thì giảng dạy tại Trường trung học Số 1 Đài Trung (zh; en) của thành phố Đài Trung, về sau bị bắt. Nghiêm Kiều là một trong những giáo viên của Lý Ngao (李敖). Vợ của Nghiêm Kiều là Lâm Thiến (林倩), con gái của Lâm Hùng Tường,[lower-alpha 18] em gái của Lâm Hành Đạo (林衡道) – nhà sử học trứ danh của Đài Loan.[152]
    • Con gái cả: Nghiêm Trác Vân (嚴倬雲; sinh ngày 29 tháng 11 năm 1925) là một nhà xã hội học, nhà lãnh đạo trong giới phụ nữ Đài Loan, bạn thân của Tống Mỹ Linh. Chồng Nghiêm Trác Vân là Cô Chấn Phủ (zh; en) thuộc gia tộc họ Cô ở Lộc Cảng, là một doanh nhân nổi tiếng của Đài Loan, chủ tịch Quỹ trao đổi Eo biển (Straits Exchange Foundation), là người đã sắp xếp các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Đài Loan và Trung Quốc đại lục kể từ năm 1949. Cả hai kết hôn vào năm 1949 với người chứng hôn là Liên Chấn Đông (zh; en), có với nhau tất cả 3 con trai và 3 con gái.[153]
    • Con gái thứ hai: Nghiêm Đình Vân (嚴停雲; sinh ngày 8 tháng 4 năm 1926), bút danh Hoa Nghiêm (華嚴), là một nhà văn nổi tiếng của Đài Loan, rất nhiều tác phẩm của bà đã được dựng thành phim. Bà kết hôn với Diệp Minh Huân (zh; en), nguyên Phó hiệu trưởng và Chủ tịch trường Đại học Thế Tân (zh; en), và sinh được 1 con trai cùng 3 con gái.[154][155]
  4. Nghiêm Tuyền (嚴璿; 1903–?) tự Quý Tương (季將), mẹ là Chu Minh Lệ.[156][157]
  5. Nghiêm Điếm (嚴玷; 1910–?) tự Vô Điếm (無玷), mẹ là Chu Minh Lệ.[66]

Con gái

  1. Nghiêm Tân (嚴璸; 1899–?) tự Hương Nghiêm (香嚴), mẹ là Giang Oanh Nương.[158]
  2. Nghiêm Cầu (嚴璆; 1901–?) tự Hoa Nghiêm (華嚴), mẹ là Chu Minh Lệ. Vị hôn phu của bà chính là Lữ Ngạn Trực (zh; en), nhưng hai người chưa thành hôn thì Lữ Ngạn Trực đã không may qua đời, bà cũng xuống tóc làm ni với pháp danh "Thu Diệu".[144]
  3. Nghiêm Lung (嚴瓏; 1905–?), mẹ là Chu Minh Lệ. Bà cũng lấy chồng là một người Đài Loan tên Hoàng Liên Đăng (黃聯登) và sinh được 6 người con trai cùng 3 người con gái.[159]
  4. Nghiêm Húc (嚴頊; 1908–?), mẹ là Chu Minh Lệ.[160]